Tiểu sử nhà trí thức yêu nước Phan Văn Đạt
TIỂU SỬ NHÀ TRI THỨC YÊU NƯỚC PHAN VĂN ĐẠT
Cử nhân Phan Văn Đạt có tên hiệu là Minh Trai, sinh năm 1828 tại thôn Bình Thanh, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An (nay thuộc xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An). Tuổi mới thành niên, ông đã thông kim bác cổ, làu thông kinh sử, lại giỏi nghề đóng rương tủ. Năm Tự Đức nguyên niên (1848), ông đỗ Cử nhân tại trường thi Gia Định nhưng không ra làm quan mà ở lại quê nhà để phụng dưỡng song thân.
Cử nhân Phan Văn Đạt có tính cương trực, thẳng thắn nên được dân làng nể trọng, mỗi khi có việc tranh tụng đều tìm đến nhờ ông phân xử. Vì thế, lúc bấy giờ có câu rằng: “Sợ không bằng, hỏi mặt cân. Muốn hết kiện tụng hỏi Phan Sanh” . Năm Canh thân (1860), ông ra Huế làm một chức quan nhỏ nhưng lại bỏ về ngay vì không chịu được thói a dua, xu nịnh của quan trường.
Trước đó, vào năm 1859, thực dân Pháp đánh thành Gia Định, âm mưu xâm chiếm cả Lục tỉnh Nam Kỳ, triều đình Huế phải cử danh tướng Nguyễn Tri Phương vào Nam Lập đại đồn Chí Hòa để ngăn chặn bước tiến của quân Pháp. Đầu năm 1861, Pháp phá vỡ đại đồn Chí Hòa, xua quân đánh chiếm Tân An, Gò Công. Thế giặc rất mạnh, triều đình Huế đành bất lực, tìm cách cầu hòa để cố giữ quyền lợi ích kỷ của Vương triều. Trước tình thế ấy, Cử nhân Phan Văn Đạt cùng cậu là Tú tài Trịnh Quang Nghị dựng cờ khởi nghĩa, lập căn cứ ở phía Nam cầu Biện Trẹt (nay thuộc địa phận ấp Bình Trị, xã Phú Ngãi Trị ,huyện Châu Thành), phát hịch chiêu tập nghĩa binh chống Pháp. Nguyễn Thông - người cùng thời với ông có viết : “Trước đó, Đỗ Trình Thoại ở huyện Tân Hòa (Gò Công) hợp mọi người đánh đồn Sơn Quy, kế thua chết; lính Tây kéo đến, thế như mưa gió, nghĩa dân đều khoanh tay đứng nhìn, chưa có ai dám liều mình chặn giặc. Đến khi hai ông giữ phía Nam cầu Biện Trẹt, phát hịch kêu gọi, tiếng nghĩa vang dội. Lúc bấy giờ nghĩa hào ở các huyện Bình Dương, Tân Long và Tân Hòa, phủ Tân An thảy đều mưu tính việc họp quân giết giặc, quả thực là nhờ hai ông khởi xướng”. Qua đó, ta thấy rằng Cử nhân Phan Văn Đạt là người đầu tiên khởi nghĩa chống Pháp ở địa bàn huyện Tân Thạnh, phủ Tân An (nay là huyện Châu Thành, tỉnh Long An), cuộc khởi nghĩa của ông có tác dụng mở đầu và thúc đẩy phong trào khởi nghĩa vũ trang bùng phát mạnh mẽ ở các huyện lân cận.
Hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của cử nhân Phan Văn Đạt, có Hương thân Lê Cao Dõng ở thôn Bình Thanh và Tú tài Trà Quý Bình ở chợ Kỳ Son. Nguyễn Thông và Phan Trung (Tri phủ Tân An) cũng thường đến bản doanh của Cử nhân Phan Văn Đạt bàn định phương sách đánh giặc. Khí thế nghĩa quân huyện Tân Thạnh do Cử nhân Phan Văn Đạt, Tú tài Trịnh Quang Nghị và Tú tài Trà Quý Bình chỉ huy ngày một cao. Ngày 21 tháng 6 năm Tân Dậu (1861). Tú tài Trà Quý Bình chỉ huy nghĩa quân tập kích đồn giặc ở vàm rạch Châu Phê (nay thuộc xã Nhơn Thạnh Trung), tiêu diệt tên Tri phủ Việt gian Trần Quang Tâm, đốt cháy đồn giặc, thu toàn bộ vũ khí. Để đàn áp cuộc khởi nghĩa, ngày 16 tháng 7 năm Tân Dậu (1/9/1861), tướng Pháp là Ba - Khu đem quân đánh úp căn cứ nghĩa quân ở cầu Biện Trẹt, bắt được cử nhân Phan Văn Đạt, Hương thân Lê Cao Dõng cùng nhiều nghĩa quân. Chúng đem ông và nghĩa quân về lỵ phủ Tân An (lúc bấy giờ đóng ở vàm rạch Châu Phê, đối diện bến đò Chú Tuyết), dùng những cực hình dã man, khốc liệt nhất để tra tấn. Cử nhân Phan Văn Đạt vẫn thản nhiên, không chịu khuất phục.Tướng Pháp lấy làm lạ, hỏi tên thông ngôn thì tên này nói rằng: “Đây chính là người kiệt xuất nhất trong bọn”. Vì thế, giặc Pháp biết ông là thủ lĩnh nghĩa quân nên đã giết chết ông và hương thân Lê Cao Dõng. Chúng dùng móc sắt móc vào cổ họng của ông treo lên trên một chiếc tàu đậu ở bến đò Chú Tuyết suốt mấy ngày liền cho đến khi ông qua đời. Khi ấy, ông mới 34 tuổi (tính theo tuổi âm lịch). Lúc bấy giờ, Pháp truy lùng nghĩa quân và gia đình ông rất gắt gao. Tú tài Trịnh Quang Nghị phải đem nhóm nghĩa quân còn lại về An Giang. Thân tộc bên vợ ông đem 2 người con của ông đi nơi khác lánh nạn. Chỉ còn dì ông (chị của Trịnh Quang Nghị) bất chấp nguy hiểm, sai người đến gặp bọn Pháp ở Tân An đem xác ông về chôn cất ở phía Nam cầu Biện Trẹt - nơi ông khởi nghĩa trước đây. Theo lời truyền khẩu của hậu duệ họ Phan thì Pháp treo xác ông lên trên tàu cho đến khi bốc mùi mới bỏ xuống bờ sông, dụ nghĩa quân và thân tộc đến lấy xác để bắt. Nghĩa quân phải tổ chức đánh cướp xác ông về quê bí mật an táng.
Tin Tức về sự hi sinh của ông bay xa khắp Lục tỉnh Nam Kỳ. Quan tỉnh Gia Định đem việc này tâu lên triều đình. Vua tự Đức nghe tin xuống dụ rằng: “Bọn Đạt, một người mới chỉ đỗ đạt, một người mới dự hàng hương thân, không được ví như người có lộc vị. Thế mà, trước đã bí mật chiêu mộ nhân dân hưởng ứng việc nước, lòng nghĩa khái đã là đáng khen; đến khi bị giặc bắt, thì thủ tiết không chịu khuất, hoặc cả tiếng mắng giặc, hoặc ngậm miệng lắc đầu không chịu uống thuốc. Lòng trung phẫn kích thích, vạc nước nóng không từ; khẳng khái quên mình, coi cái chết như về. Hạng khí tiết như thế, làm cho kẻ ham sống toát mồ hôi, người trọng nghĩa thêm hăng hái. Những truyện móc lưỡi, dùi rốn tiếng thơm bất hủ đời xưa, nay lại được thấy ở bọn này. Thế là cái chết nặng hơn Thái Sơn, trẫm nghe tâu lấy làm đau thương, mà khen là hùng tráng. Vậy nên hậu cấp tiền tuất để khuyết khích phong tục. Văn Đạt cho truy thụ hàm Tri Phủ, cấp tuất 40 lạng; Cao Dõng truy thụ hàm Suất đội, cấp tuất 30 lạng bạc. Chờ đến khi việc yên, sẽ cho dựng đền thờ ở quê, một năm xuân thu 2 lần tế. Sự trạng giao cho Sử quán kê cứu kĩ, dựng thành truyện’’.
Theo Nguyễn Thông, Phan Văn Đạt được truy phong tước Phụng Thành đại phu, hàm Tri Phủ. Em ruột ông là Phan Văn Thịnh cũng được tập ấp hàm Bá hộ để lo việc thờ tự ông.
Gương hy sinh của cử nhân Phan Văn Đạt làm cho sĩ phu yêu nước và nhân dân khắp nơi xót thương, kính phục. Noi gương ông, nghĩa quân ở tỉnh Gia Định đồng loạt nổi dậy tấn công giặc Pháp làm cho chúng thiệt hại nặng nề. Khoảng 2 tháng sau khi Phan Văn Đạt hy sinh, ngày 10/12/1861, Nguyễn Trung Trực chỉ huy nghĩa quân đốt cháy tàu L’Esperance, làm nên chiến công bất hủ “ Hỏa hồng Nhật Tảo”. Ngày 16/2/1861, nghĩa quân tiếp tục đánh đồn Cần Giuộc, đốt nhà dạy đạo, chém đầu quan hai Phú – lang – sa. Tinh thần dũng cảm của người nghĩa sĩ nông dân Cần Giuộc đã sống mãi với bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của chí sĩ Nguyễn Đình Chiểu. Các văn thân cũng hết sức cảm kích trước tinh thần hy sinh vì nước của Cử nhân Phan Văn Đạt. Cử nhân Cù Khắc Cần (quê ở xã Hiệp Thạnh, huyên Châu Thành ngày nay) đã ca ngợi ông trong bài văn sách ở kỳ thi Hội năm Nhâm Tuất (1862). Khi đọc bài văn này, vua tự Đức đã nghẹn ngào xúc động và sáng tác một bài thơ dài 72 câu theo nối Cổ phong nói về gương hy sinh của ông để phổ biến trên cả nước. Do lục tỉnh Nam Kỳ lần lượt rơi vào tay Pháp, nên việc dựng đền thờ Phan Văn Đạt và Lê Cao Dõng tại quê nhà của 2 ông theo ý vua Tự Đức không thành. Triều đình đã đem linh vị ông vào phối tự tại đền Trung Nghĩa ở Huế. Về phía gia đình, hậu duệ họ Phan vẫn làm lễ giỗ ông vào ngày 16/7 âm lịch hàng năm./.